NÓI CHUYỆN TRUYỀN THỐNG
Sáng ngày 13/11/2023, Trung tâm giáo dục truyền thống lịch sử Việt Nam, CLB những anh hùng và nhân chứng kể chuyện lịch sử kết phối hợp với Trường Tiểu học Ngọc Xuyên đã tổ chức chương trình giao lưu "Tiếp lửa truyền thống, kể chuyện lịch sử" cho học sinh nhà trường.
Một chương trình vô cùng xúc động và ý nghĩa. Tại chương trình các thầy cô giáo và các em học sinh đã được nghe các thành viên trong Câu lạc bộ Anh hùng - Nhân chứng lịch sử khái
quát lại những mốc son lịch sử của dân tộc trong thời đại Hồ Chí Minh. Bác Ngô Sỹ Nguyên - nhân chứng lịch sử đặc biệt - pháo thủ số 1 kíp xe tăng 390 - chiếc xe tăng đầu tiên húc đổ cổng sắt Dinh Độc Lập của Ngụy quyền sài Gòn lúc 10h 45 ngày 30/4/1975, góp phần vào chiến công oanh liệt, giải phóng miền nam thống nhất đất nước, đánh dấu một mốc son lịch sử chói lọi của dân tộc ta. Ông đã kể lại thời khắc hào hùng đó của dân tộc và những hi sinh, những kỷ niệm trong những năm tháng đấu tranh đầy gian khổ đó với giọng kể hào hùng xen lẫn niềm xúc động khi kể về một thời khói lửa mà chính bản thân ông cùng các đồng đội đã trải qua.
Trong chương trình các em học sinh còn được nghe Thiếu tá Lê Quang Luận, nhân chứng của 81 ngày đêm chiến đấu tại thành cổ Quảng Trị. Cuộc chiến đấu 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ, thị xã Quảng Trị đã góp phần tạo nên bước ngoặt lịch sử làm thay đổi cục diện chiến tranh, buộc đế quốc Mỹ phải nối lại đàm phán và đi đến ký kết Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam, công nhận nền độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam; góp phần tạo tiền đề để quân và dân ta mở Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, làm nên Đại thắng mùa Xuân 1975, thực hiện trọn vẹn di nguyện thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu cho Bắc-Nam sum họp một nhà, Tổ quốc Việt Nam thống nhất.
Những người lính Thành Cổ, đa số tuổi đời còn rất trẻ, đã lấy gan vàng chọi với sắt thép để tạc nên một tượng đài sừng sững với khát vọng độc lập, thống nhất về lương tri và phẩm giá con người trước vận mệnh đất nước. Có thể nói rằng, cuộc chiến 81 ngày đêm chốt giữ Thành cổ Quảng Trị là một khúc tráng ca của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam được viết bằng máu. Tại chiến trường ác liệt này, có biết bao chiến sỹ quân giải phóng, biết bao người con ưu tú của Tổ quốc đã ngã xuống mà nhiều người trong số họ thân xác vĩnh viễn tan hòa vào đất đai, cây cỏ. Xương máu của các anh đã hóa thân vào từng tấc đất, hòa vào mênh mang sóng nước của dòng Thạch Hãn "ru mãi bài ca Bất tử đến vô cùng"...
Trong khuôn khổ thời gian ngắn ngủi của chương trình, các bác cựu chiến binh không thể kể hết những chiến công hiển hách, những hi sinh mất mát của dân tộc ta trong suốt chiều dài lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước. Tuy nhiên qua các câu chuyện của các nhân chứng lịch sử, các em học sinh đã được ôn lại truyền thống vẻ vang của Quân đội Nhân dân Việt Nam, những chiến công hiển hách của quân và dân ta trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, hoàn thành thắng lợi sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội Chủ nghĩa và làm tròn nghĩa vụ Quốc tế; sự hy sinh anh dũng của các anh hùng liệt sỹ; những tấm gương sáng về tình đồng chí, đồng đội, tình cảm quân dân trong lửa đạn chiến tranh.
Chương trình giao lưu kể chuyện lịch sử với các anh hùng - nhân chứng lịch sử là hoạt động đầy ý nghĩa. Thông qua chương trình nhằm góp phần nâng cao nhận thức, giáo dục lòng yêu nước cho học sinh, những chủ nhân tương lai của đất nước về truyền thống vẻ vang của dân tộc Việt Nam, công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các anh hùng liệt sỹ đã hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc; đồng thời giúp cho các em học sinh thấy được trách nhiệm của mình không ngừng phấn đấu, rèn luyện, tiếp bước cha anh, dựng xây quê hương, đất nước giàu đẹp./.