Cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước đã đi qua gần nửa thế kỷ nhưng dấu ấn mà nó để lại vẫn còn vang vọng mãi trong tâm hồn mỗi người dân Việt Nam. Hình ảnh những người anh hùng liệt sĩ sẵn sàng ngã xuống vì nền độc lập tự do vẫn còn đó, in sâu vào hồn thiêng dân tộc, sống mãi với non sông đất nước. Bởi vậy, để ghi lại hình ảnh người nữ chiến sĩ trong chiến tranh nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ đã từng viết:
“....Em nằm dưới đất sâu
Như khoảng trời đã nằm yên trong đất
Đêm đêm tâm hồn em tỏa sáng
Những vì sao ngời chói lung linh.......”
Tượng đài liệt sĩ bác sĩ Đặng Thùy Trâm
Hình ảnh một nữ chiến sĩ - một nữ bác sĩ sẵn sàng hy sinh cả tuổi thanh xuân của mình cho nền độc lập, tự do của dân tộc, đó chính là nữ bác sĩ Đặng Thùy Trâm, được thể hiện rất rõ nét qua tác phẩm văn học rất đặc sắc “Nhật ký Đặng Thùy Trâm”.
Cuốn sách được in trên khổ giấy 14x20cm, với 327 trang, do nhà xuất bản Hội nhà văn ấn hành. Cách trang trí đơn giản mà đẹp mắt. Với gam màu xanh pha mộc mạc, từng câu chữ tiêu đề như thêm nổi bật. Đặc biệt, giữa mặt cuốn sách chính là bức chân dung của bác sĩ Đặng Thùy Trâm với những trang nhật ký, miệng mỉm cười khe khẽ..
Tác phẩm đã thu hút người đọc ngay từ những trang đầu tiên qua lời giới thiệu về những tấm lòng và số phận kì lạ của cuốn nhật kí. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ đầy gian khổ ấy, cuốn nhật kí đã vô tình rơi vào tay một người lính Mỹ để rồi sau gần một phần ba thế kỉ lưu lạc, đúng vào dịp kỉ niệm 30 năm ngày giải phóng miền nam thống nhất đất nước 30/4/2005 nó đã trở về với gia đình liệt sĩ. Vậy tại sao khi người lính Mỹ này nhặt được cuốn nhật kí lại không đốt nó đi, mà lại phải mất bao nhiêu công sức để tìm và trao trả cho người thân của nó? Tại sao cuốn nhật kí có sức mạnh kì diệu tới như vậy? Trong cuốn nhật kí đó có thực sự có lửa hay không? Vì sao cuốn nhật kí lại được xuất bản tại 20 nước với 16 thứ tiếng? Chúng ta hãy cùng tìm hiểu về cuốn sách nhé!
Cuốn nhật ký gồm hai phần chính:
Phần I : Những ngày rực lửa.
Dự án tranh minh họa dựa trên cuốn nhật ký của tác giả Nguyễn Hoàng Tấn
Những trang nhật ký của chị giống như một cuốn phim quay chậm trước mắt chúng ta bao đau thương, mất mát, khó khăn gian khổ khiến người đọc không khỏi xúc động nghẹn ngào. Chị trăn trở băn khoăn: “Không lẽ quyển sổ nhỏ này cứ ghi tiếp mãi những trang đầy máu hay sao. Nhưng Thùy ơi! Hãy ghi đi, ghi cho đầy đủ tất cả những máu xương, mồ hôi nước mắt của đồng bào ta đã đổ hai mươi năm nay. Và ở những ngày cuối cùng của cuộc chiến tranh sinh tử này, mỗi sự hy sinh càng đáng ghi đáng nhớ nhiều hơn nữa”….
Phần II : Những tư liệu ảnh.
Liệt sĩ Đặng Thùy Trâm cùng bạn gái trong Hội diễn sinh viên Trường ĐH Y khoa năm 1963
Nhân dịp kỷ niệm 78 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam 22/12, trong buổi giới thiệu sách tháng 12, em Hoàng Vân Khánh – học sinh lớp 5A5 với giọng kể thật xúc động đã giới thiệu đến các thầy cô và các bạn học sinh toàn trường cuốn sách hay này. Mong rằng các em học sinh sẽ tìm ngay cho mình cuốn sách “Nhật ký Đặng Thùy Trâm’’. Hãy đắm mình trong từng dòng tâm trạng của Đặng Thùy Trâm, ta sẽ hiểu đất nước lớn lên từ những con người như thế. Để rồi chúng ta trân trọng, biết ơn và sống có ước mơ, hoài bão.
Học sinh toàn trường trong buổi giới thiệu sách tháng 12